Sáng 16-2, tại chùa Phật Học Xá Lợi (Quận 3), trong thời khắc cuối cùng nghìn thu vĩnh biệt bóng dáng Trưởng lão HT.Thích Hiển Tu – Phó Pháp chủ HĐCM, và để tri ân công đức to lớn của ngài đối với đạo pháp và dân tộc, Trung ương Giáo hội đã trang nghiêm cử hành lễ truy niệm theo nghi thức cấp cao GHPGVN.
Lễ truy niệm có sự hiện diện của Đại lão HT.Thích Trí Quảng, Pháp chủ GHPGVN; Trưởng lão HT.Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS; Trưởng lão HT.Thích Như Niệm, Phó Thư ký HĐCM; Trưởng lão HT.Thích Thiện Pháp, Ủy viên Thường trực HĐCM, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS; chư tôn Trưởng lão Ủy viên Thường trực và thành viên HĐCM; chư tôn đức Phó Chủ tịch HĐTS, Ủy viên Thường trực HĐTS, các Ban Viện Trung ương; Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM và các tỉnh, thành.
Tham dự còn có lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban MTTQVN và đại sở, bàn TP.HCM, Quận 3 và cùng đông đảo Tăng Ni, Phật tử các giới.
Nơi Giác linh đường trang nghiêm, Trưởng lão HT.Thích Như Niệm thay mặt Ban Tang lễ cung tuyên tiểu sử và đạo nghiệp của Đức Phó Pháp chủ HĐCM Trưởng lão HT.Thích Hiển Tu (1921 – 2024).
Tăng Ni, Phật tử và đại chúng cùng hướng tâm về Giác linh Trưởng lão HT.Thích Hiển Tu bằng tất cả sự tôn kính, Trưởng lão HT.Thích Thiện Nhơn dâng điếu văn tưởng niệm của Trung ương Giáo hội.
Điếu văn tôn vinh công đức to lớn của cố Trưởng lão Hòa thượng từ khi xuất gia vào chốn thiền môn, thọ giới pháp, theo thầy tổ tu học và hoằng dương chánh pháp, rồi trở thành mô phạm giới đức thanh cao. “Trưởng lão Hòa thượng đã làm cho Đạo – Đời hai mặt một thể viên dung, quyết chí dấn thân vì đại nghĩa, thể hiện trọn vẹn tinh thần đại hùng đại lực, đại từ bi, hộ quốc an dân, vận dụng tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, truyền trì đạo mạch, phát huy chân lý Đạo nhà một cách trong sáng và tích cực qua các thời kỳ khác nhau của lịch sử, làm cho đạo vàng tỏa sáng, giống trống lôi âm, vang rền tiếng Pháp, nêu cao gương uy mãnh giữa rừng tà, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Như người xưa đã nói: “Lưng mang bức tượng Di Đà, chữ Trung chữ Hiếu việc nhà vẹn phân. Dù cho đi trọn đường trần, đạo tâm đâu dễ một lần phôi pha”.”, Điếu văn nhấn mạnh.
Có thể nói, trong suốt cuộc đời thực hành Bồ tát đạo, hiện thân của Trưởng lão Hòa thượng là bóng đại thụ che mát cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, là ánh hải đăng định hướng cho Phật giáo Việt Nam xuyên suốt dòng lịch sử truyền thừa và phát triển, mà đỉnh cao là thời đại Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Do đó, mỗi cử chỉ, mỗi ngôn từ của Trưởng lão Hòa thượng không những đã biểu hiện một sức sống mãnh liệt cho Đạo pháp, cho Tăng Ni Phật tử nói chung, mà còn là một bài học đạo đức cho các thế hệ hiện tại và mai sau noi gương tu học, hành đạo qua những lời đạo từ, khai thị của Trưởng lão Hòa thượng tại các Đại Giới đàn, các buổi lễ của Giáo hội.
“Hôm nay, trong giờ phút nghìn thu vĩnh biệt, Trưởng lão Hòa thượng hóa duyên đã mãn, nơi cõi Niết bàn vô tung bất diệt, Giác linh Trưởng lão Hòa thượng đã tự tại thong dong, vận thần thông đoạn ngự bửu liên đài, xả báo thân, chứng nhập Pháp thân, siêu Tịnh độ không rời uế độ. Giờ đây, trước Giác linh đài, chúng tôi Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội, các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp là những pháp hữu Đại thừa đồng hành, đồng sự trong Chánh pháp, là những người còn ở lại, còn nặng nghĩa Thích tử côn bằng, nay thắp nén tâm hương kính cẩn dâng lên cúng dường Giác linh Trưởng lão Hòa thượng để gọi là thể hiện mối tâm giao, tình Pháp lữ muôn đời trong Chánh pháp.”, Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch tưởng niệm.
Giác linh đài khói trầm hương quyện tỏa, Đức Pháp chủ, Trưởng lão Hoà thượng Chủ tịch, cùng chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS thành kính dâng hương cúng dường Giác linh Đức Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN. Theo đó, HT.Thích Lệ Trang xướng lễ cầu nguyện cố Trưởng lão Hòa thượng được cao đăng thượng phẩm, quả chứng vô sanh.
Sau lễ truy niệm, môn đồ pháp quyến theo thứ tự thỉnh bát hương, di ảnh, y bát, linh vị cùng với đoàn đạo tỳ phụng tống kim quan cố Trưởng lão Hòa thượng rời chùa Phật Học Xá Lợi về tổ đình Bửu Sơn (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) nhập bảo tháp.
Tại quê hương, chốn tổ Bửu Sơn, đông đảo Tăng Ni, Phật tử đứng hai bên trang nghiêm thành kính chấp tay, đồng niệm danh hiệu Tiếp Dẫn Đạo Sư A-Di-Đà Phật và tung hoa thơm cúng dường, cung đón thân tứ cố Trưởng lão Hoà thượng trở về yên giấc nghìn thu, viên mãn một kiếp luân hồi, xứng danh bậc long trượng thiền gia.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Tu, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN; nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nghi lễ T.Ư GHPGVN; nguyên Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Nghi lễ GHPGVN TP.HCM; Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM; Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN Q.3; Chứng minh Thiên Thai Thiền Giáo tông; Viện chủ chùa Phật Học Xá Lợi (Q.3, TP.HCM); Viện chủ tổ đình Bửu Sơn (H.Ba Tri, tỉnh Bến Tre).
Trưởng lão Hòa thượng thế danh Nguyễn Tấn Hưng, sinh năm Nhâm Tuất (1921), tại xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Năm 8 tuổi, ngài đảnh lễ Hòa thượng Vĩnh Tấn thế phát xuất gia, được ban pháp danh là Thiện Duyên. Sau này cầu pháp Hòa thượng Vĩnh Huệ (trụ trì đời thứ 2 tổ đình Bửu Sơn) được ban pháp hiệu Nhựt Quang, tự Hiển Tu, nối dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41.
Năm 1937, ngài thọ giới Sa-di, đến 1941 thọ giới Tỳ-kheo, chính thức dự vào hàng cập đệ – Chúng Trung Tôn, bắt đầu con đường hoằng hóa độ sanh. Cũng dịp này, ngài được Hòa thượng Vĩnh Huệ ban kệ phú pháp:
Nhựt xuất ư không trung
Quang minh tận vô cùng
Hiển hành chơn chánh đạo
Tu liễu ngộ viên dung.
Trong giai đoạn đất nước nguy nan, là một người tu sĩ đứng trước nổi đau của dân tộc, ngài cùng huynh đệ tông môn đã tùy duyên trong hình thức một chiến sĩ cách mạng để tròn bổn phận với đất nước và dân tộc. Dù sống trong nghịch cảnh nhưng ngài vẫn một lòng nhẫn nại, gìn giữ đạo tâm, chí hướng đầy đủ nhân duyên trở về chốn tổ tu hành và hoằng dương chánh pháp.
Qua từng giai đoạn lịch sử của Phật giáo Việt Nam, Trưởng lão Hòa thượng đã giữ nhiều cương vị khác nhau, nhưng đều chu toàn Phật sự. Ngài được cung thỉnh làm Tôn chứng, Giới sư, Yết-ma A-xà-lê, Giáo thọ A-xà-lê, Đường đầu Hòa thượng, Chứng minh tại các Đại Giới đàn ở TP.HCM, Bến Tre, Sóc Trăng và Cà Mau…
Trưởng lão Hòa thượng là một trong những vị tôn đức Phật giáo có uy tín và ảnh hưởng lớn với quần chúng và xã hội, nhận được tình cảm kính trọng đặc biệt của Tăng Ni, Phật tử, GHPGVN trong và ngoài nước. Gần 50 năm trụ trì, viện chủ chùa Phật Học Xá Lợi, ngài đã duy trì nơi đây là một trong những trung tâm tu học lớn của Quận 3 và TP.HCM, có giá trị lịch sử và giữ vai trò quan trọng trong công tác giáo dục, đào tạo Tăng tài.
Thế rồi, chốn song lâm mây ẩn bóng ưu đàm, thuyền Bát nhã xuôi dòng bản thể, Trưởng lão Hòa thượng đã thuận thế vô thường, thâu thần viên tịch vào lúc 22 giờ 30 phút, ngày 12 tháng 2 năm 2024 (nhằm mồng 3 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại chùa Phật Học Xá Lợi, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh; trụ thế: 104 năm, hạ lạp: 83 năm.
Một số hình ảnh lễ truy niệm và phụng tống kim quan:
Đăng Huy