Sáng nay, mùng 1/11 âm lịch, Trung ương GHPGVN, Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM đã trang nghiêm tưởng niệm 712 năm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn, đồng hiệp kỵ chư Tôn Tiền bối hữu công qua các thời kỳ. Buổi lễ tổ chức long trọng tại Việt Nam Quốc Tự (Q.10, TP.HCM) dưới chứng minh chư Tôn giáo phẩm Hòa thượng HĐCM, HĐTS GHPGVN.
Hiện diện chứng minh có Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng – Phó Pháp Chủ kiêm Giám luật HĐCM, Trưởng Ban Trị sự PG TP; chư Trưởng lão HT.Thích Như Niệm, HT.Thích Giác Tường, HT.Thích Viên Minh – đồng Ủy viên TT HĐCM; HT.Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS; chư Hòa thượng HĐCM, chư Tôn đức Ban Thường trực HĐTS, HĐTS, các Ban Viện Trung ương, Ban Trị sự PG TP, 24 Quận Huyện; đại diện chính quyền các cấp TP.HCM, và đông đảo Tăng Ni, Phật tử các nơi đồng tham dự.
Tại buổi lễ, HT.Thích Thiện Tâm cung tuyên tiểu sử Đức điều ngự Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngài tên húy là Trần Khâm, sinh năm Mậu Ngọ – 1258 vào ngày 11 tháng 11 âm lịch. Ngài là con trưởng của Đức Vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm.
Năm Mậu Dần – 1278, khi vừa tròn 20 tuổi, Hoàng Thái tử Khâm được Vua Trần Thánh Tông truyền ngôi xưng là Hoàng đế, hiệu là Hiếu Hoàng. Năm sau, 1279 Đức vua Trần Nhân Tông đổi niên hiệu là Thiệu Bảo. Kế tục sự nghiệp của các Tiên đế nhà Trần, Đức vua đã thi hành nhiều chính sách khoan hòa, thân dân, lấy đức mà trị vì Đại Việt, chăm lo cho dân chúng, xây dựng quốc gia hòa bình, thịnh trị. Về Phật pháp, Ngài tôn thờ Tuệ Trung Thượng sĩ làm thầy, và thường tới chùa Tư Phúc trong kinh thành Thăng Long để tụng kinh, tọa thiền, sám lễ Tam bảo, thấu đạt cả nội điển và ngoại điển.
Khi giặc Nguyên – Mông xâm chiếm Đại Việt, năm 1282, Ngài chủ trì hội nghị Bình Than để lấy ý kiến của toàn quân, toàn dân Đại Việt đoàn kết chống giặc ngoại xâm. Sau đó, Ngài đã trực tiếp lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần chiến thắng giặc Nguyên – Mông vào các năm 1285 và 1288.
Sau khi đất nước Hòa bình, năm 1299, Ngài từ hành cung Vũ Lâm trở về kinh thành Thăng Long, rồi thẳng tiến lên núi Yên Tử (nay thuộc Uông Bí, Quảng Ninh), tinh cần tu hạnh đầu đà lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Ngài cho dựng chùa, giảng pháp, độ Tăng. Người học Phật quy tụ về Yên Tử rất đông. Đồng thời, Ngài đã thống nhất ba dòng thiền: Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi, Vô Ngôn Thông, và Thảo Đường thành lập lên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử với tư tưởng nhập thế “Cư trần lạc Đạo”, “Hòa quang đồng trần” là dòng thiền mang bản sắc riêng của Đại Việt. Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử được gìn giữ và lưu truyền qua các thời đại, các thế hệ Phật giáo Việt Nam mà ngày nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chủ thể kế thừa tinh hoa nhập thế đồng hành cùng dân tộc.
Ngày mùng Một, tháng 11 năm Mậu Thân – 1308, Sơ Tổ Điều Ngự Trần Nhân Tông nhập diệt tại đỉnh Ngoạ Vân, am Tử Tiêu, núi Yên Tử, thọ thế 51 năm. Theo các sách cổ sử, Ngài Bảo Sát phụng theo di chúc hỏa thiêu Điều Ngự để lại hàng ngàn hạt xá lỵ. Đệ nhị Tổ Pháp Loa và vua Trần Anh Tông cung rước ngọc cốt và xá lỵ về kinh thành cử hành quốc lễ tôn thánh hiệu là: “Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật”.
Tưởng nhớ và tri ân công đức lớn lao đối với Dân Tộc và Đạo Pháp của Tổ sư, Điều ngự Giác Hoàng, Vua Phật Trần Nhân Tông. Thay mặt Trung ương Giáo hội, Chủ tịch HĐTS GHPGVN HT.Thích Thiện Nhơn thành kính dâng lời tưởng niệm.
Lời tưởng niệm có đoạn, “Trên tinh thần sắc tướng vốn không, mượn cảnh huyễn, độ người như huyễn, tử sinh nào có, nương thuyền từ độ kẻ trong mê, như Tổ Sư đã dạy: “Tất cả Pháp không sinh. Tất cả Pháp không diệt. Ai hiểu được nghĩa này. Thì Chư Phật hiện tiền. Nào có đến có đi”. Do đó, dù thời gian có đi qua hơn 700 năm, không gian có biến dịch, song công đức, đạo nghiệp của Tổ Sư vẫn còn sống mãi trong trang sử vàng son của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp hộ quốc an dân, đoàn kết hòa hợp dân tộc, phát huy Đạo pháp trong thời đại ngày nay và mãi mãi về sau.”
Nhân lễ kỷ niệm 712 năm ngày Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn. Trước đài tưởng niệm nới tôn trí di ảnh của Phật Hoàng, chư Tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS, chính quyền các cấp thành kính đốt nén tâm hương, ngũ phần đỉnh lễ dâng lời tưởng niệm chân thành, tâm cảm ý giao, một lòng thành kính cúi đầu đỉnh lễ Lịch đại Tổ Sư, phát nguyện phụng trì Phật pháp, phát huy chân lý Đạo nhà, giữ gìn Tổ ấn vàng son, làm rạng rỡ vang danh Non thiêng Phật Tổ huy hoàng tráng lệ, non sông gấm vóc thiên thành, một cõi vững bền muôn thuở.
Một số hình ảnh Lễ tưởng niệm tại Việt Nam Quốc Tự:
Đăng Huy