TP. Hà Nội: Hội thảo khoa học khởi động Dự án kinh điển phương Đông

Ngày đăng: 20/04/2019
Đăng bởi: Tích Trí

PSO – Ngày 20/4/2019, tại hội trường Nguyễn Văn Đạo Đại học Quốc gia Hà Nội – 144, Xuân Thủy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội đã trọng thể tổ chức Hội thảo khởi động Dự án Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông.

Quang lâm tham dự buổi lễ, về phía GHPGVN có sự hiện diện của HT. Tiến sĩ Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam; HT. Tiến sĩ Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Từ thiện xã hội TƯ; HT. Tiến sĩ Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Hoằng pháp TƯ; HT. Đào Như, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN cùng chư Tôn đức Tăng Ni các ban viện Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành.

Chư Tôn đức GHPGVN tham dự hội thảo

Tham dự hội thảo còn có ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành TƯ; Ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc đại học Quốc gia Hà Nội; Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, đại diện Đại sứ quán Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan cùng hơn 400 đại biểu trong và ngoài nước, các nhà khoa học trong nước và quốc tế tham dự.

Dự án Kinh điển phương Đông có tầm vóc và ý nghĩa lịch sử, mang giá trị thời đại, giá trị dân tộc và nhân văn đặc biệt quan trọng. Dự án này góp phần thực hiện những mục tiêu, định hướng lớn về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế trong thời đại cách mạng công nghiệp mới.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Dự án Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông (hay Dự án kinh điển phương Đông) là một trong năm chương trình, dự án khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia do Chính phủ chỉ đạo. Trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì hai dự án lớn là Địa chí Quốc gia Việt Nam và Dự án kinh điển phương Đông.

Ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQGHN phát biểu khai mạc

Dự án kinh điển Phương Đông dự kiến sẽ được thực hiện trong 10 năm theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 3/2019 – 2/2024, giai đoạn 2 từ 3/2024 – 2/2029.

Giai đoạn 1 là công tác chuẩn bị tiến hành dịch thuật, trong đó, Dự án sẽ thực hiện khảo sát, tập huấn và chọn lọc nhân sự chính tham gia và tuyển chọn cộng tác viên; chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ dịch thuật và xây dựng cơ sở dữ liệu và thư viện tra cứu phục vụ dịch thuật. Sau đó, Dự án tiến hành dịch thuật theo hai hướng toàn dịch và toát yếu. Giao đoạn 2 là giai đoạn chỉnh lý, tiếp tục hoàn thiện và dịch thuật các bộ Kinh còn lại trong phần Chính tạng, điển tịch Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo được trước tác, chú tại giải Việt Nam.

Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu
HT.TS Thích Giác Toàn phát biểu
HT.TS. Thích Bảo Nghiêm phát biểu

Sản phẩm dự kiến của toàn bộ quá trình là các bộ sách in, sách số về tinh hoa của các tác phẩm kinh điển phương Đông, bao gồm 150 quyển thuộc Chính tạng, 9 quyển Nho tạng, 2 quyển Đạo tạng cùng các tác phẩm trước thuật của các đại sư Việt Nam trong lịch sử; 13 bộ kinh điển của Nho giáo, cùng điển tịch Nho học Việt Nam và 3 quyển Đạo đức kinh, Nam hoa kinh, Xưng hư chân kinh, cùng một số điển tịch Đạo giáo chọn lọc.

Phát biểu tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm phó chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Hoằng pháp TƯ đã bày tỏ ý nguyện hưởng ứng cố vấn cho dự án và gửi lời cảm ơn chân thành đến ĐHQG đã dự kiến chọn bộ Đạo tạng Phật giáo trong việc triển khai dự án.

Đây một thách thức không nhỏ đối với độ bền và ý chí của các nhà khoa học tại ĐHQGHN, nhưng với năng lực nghiên cứu mạnh, ý thức trách nhiệm cao của một đơn vị đào tạo hàng đầu Việt Nam, ĐHQGHN có một tiền đề vững chắc để tiếp tục đi tiếp trên con đường kiến tạo những giá trị tích cực cho đất nước và thế hệ tương lai, góp phần tích cực vào sự nghiệp khoa giáo hưng quốc.

Dự án Kinh điển phương Đông được Phó Thủ Tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá là phù hợp với chủ trương chung “khoa học, giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “văn hóa là nền tảng” đồng thời có ý nghĩa to lớn “không chỉ cho hiện nay và cả mai sau”.

Dự án có tầm vóc và ý nghĩa lịch sử, mang giá trị thời đại, giá trị dân tộc và nhân văn đặc biệt quan trọng. Dự án này góp phần thực hiện những mục tiêu, định hướng lớn về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế trong thời đại cách mạng công nghiệp mới.

Phúc Hậu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *