Trưởng lão Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Tăng sự Trung ương vừa thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự ấn ký Thông bạch số 89/TB-HĐTS, ngày 28/3/2024 về tổ chức An cư kết hạ Phật lịch 2568.
Thông bạch gửi đến Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố.
Theo đó, căn cứ Tỳ Ni Luật tạng và truyền thống an cư kết hạ, Tăng Ni hàng năm phải an cư ba tháng (Tiền an cư hoặc Hậu an cư) để thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới – Định – Tuệ, giữ gìn quy củ tùng lâm, trang nghiêm Giáo hội, lợi lạc tự thân và lợi ích xã hội. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Tăng sự Trung ương hướng dẫn việc tổ chức khóa an cư kết hạ PL.2568 – DL.2024 như sau:
I. CÔNG TÁC TỔ CHỨC
1. Kế hoạch tổ chức an cư kết hạ do Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành (gọi chung là Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh) chịu trách nhiệm đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo cùng cấp. Mỗi đơn vị GHPGVN tỉnh, thành phố có thể tổ chức từ hai điểm ACKH tập trung trở lên và nên tổ chức Tăng, Ni an cư riêng biệt. Lưu ý thực hiện nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiến hành phun khử khuẩn tại các hạ trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo không gian sinh hoạt thông thoáng cho các hành giả an cư.
Nếu Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành phố ủy nhiệm cho Ban Trị sự GHPGVN cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện) tổ chức, đều phải thực hiện theo các quy định đã nêu.
2. Đối với những Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh không đủ điều kiện tổ chức ACKH tập trung, có thể tổ chức liên tỉnh, thành phố. Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh nơi tổ chức ACKH liên tỉnh tiến hành thủ tục đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo cùng cấp.
3. Khuyến khích Tăng Ni an cư tại các trường hạ tập trung (nội thiền) thực tập thuyết giảng, làm báo tường để đánh giá thành quả tu học của hành giả an cư.
4. Đối với những cơ sở là Chùa, Tổ đình, Tịnh xá, Thiền viện, Tu viện, Tịnh viện, Tịnh thất, Niệm Phật đường (gọi chung là Tự viện) có đông Tăng Ni tu học, muốn tổ chức an cư tại chỗ thì phải đăng ký với Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện, cấp tỉnh và được Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh chấp thuận bằng văn bản.
5. Tùy theo điều kiện và khả năng của địa phương, Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh có thể lồng ghép việc tổ chức khóa Bồi dưỡng trụ trì hoặc một số công tác chuyên môn khác trong mùa An cư kết hạ.
II. THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
1. Đối với Giáo hội:
1.1. Điểm an cư kết hạ tập trung do Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện tổ chức, Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện chịu trách nhiệm đăng ký với Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh. Ban Trị sự cấp tỉnh chịu trách nhiệm đăng ký với Trung ương Giáo hội.
1.2. Điểm an cư kết hạ do Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh tổ chức, Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh chịu trách nhiệm đăng ký với Trung ương Giáo hội.
2. Đối với chính quyền địa phương:
2.1. Đối với những điểm an cư kết hạ tập trung cấp huyện, đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo cấp huyện.
2.2. Đối với những điểm an cư kết hạ tập trung cấp tỉnh, thành phố đăng ký với cơ quan quản lý quản lý Nhà nước về tôn giáo cấp tỉnh.
2.3. Đối với Tăng Ni ở các tỉnh, thành khác đến xin an cư kết hạ tại các tỉnh, thành có tổ chức an cư tập trung, phải được sự chấp thuận của Ban Trị sự và đăng ký tạm trú tạm vắng với chính quyền nơi đi và nơi đến.
3. Hồ sơ xin tổ chức an cư kết hạ:
3.1. Trường hợp an cư kết hạ tại chỗ: Trụ xứ có từ 20 vị Tỷ khiêu/Tỷ khiêu Ni thường trú trở lên nếu an cư tại chỗ phải đăng ký với Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện và cấp tỉnh. Hồ sơ gồm có: Danh sách hành giả an cư theo mẫu lý lịch trích ngang: Họ tên, pháp danh, ngày và nơi sinh, năm thụ giới; Ban Chức sự, chương trình tu học. Khi được sự chấp thuận của Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện và Ban Trị sự cấp tỉnh, thành mới được phép tổ chức.
3.2. Đối với những điểm an cư kết hạ tập trung do Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh và cấp huyện tổ chức, hồ sơ đăng ký với chính quyền gồm có: Đơn đăng ký, danh sách Ban chức sự, danh sách Ban Giảng huấn, chương trình tu học, danh sách hành giả an cư kết hạ theo mẫu lý lịch trích ngang (Họ tên, pháp danh, năm và nơi sinh, giới phẩm, giáo phẩm, địa chỉ thường trú).
III. NỘI DUNG SINH HOẠT TRONG 3 THÁNG AN CƯ KẾT HẠ
Để đạt được mục đích của việc an cư kết hạ là thúc liễm thân tâm trau dồi giới hạnh, tu tập định – tuệ và thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, Ban Tổ chức các điểm an cư tập trung cần chú trọng một số nội dung cơ bản sau đây:
1. Thực hiện đầy đủ các thời khóa tụng niệm, tọa thiền, niệm Phật, kinh hành… giữ gìn uy nghi tế hạnh trong tu tập, sinh hoạt hàng ngày.
2. Tùy theo trình độ của Tăng Ni an cư ở từng địa phương, Ban giảng huấn có thể trích giảng một số vấn đề trong Kinh, Luật hoặc giảng chuyên đề.
3. Đối với những trường hạ có nhiều vị là trụ trì và có đông Tăng Ni an cư thì có thể kết hợp chương trình Bồi dưỡng trụ trì và công tác hành chính Giáo hội theo một số tài liệu như: Tài liệu liên quan đến quan điểm trụ trì, triển khai nội dung Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ VII (2022 – 2027), Quy chế Ban Tăng sự Trung ương khóa IX, Chương trình hoạt động Phật sự của Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh…
4. Đối với những trường hạ có nhiều Tăng Ni trẻ an cư, nên chú trọng đến việc phát hiện những nhân tố mới có năng lực trong hoằng pháp thông qua phần thực tập diễn giảng và làm báo tường.
5. Phối hợp mời chuyên gia Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố đến báo cáo chuyên đề liên quan đến đời sống tôn giáo, giới thiệu nội dung Luật tín ngưỡng, tôn giáo cũng như báo cáo tình hình thời sự trong và ngoài nước.
6. Triển khai Chương trình ký kết với Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an về việc thuyết giảng, tuyên truyền về đảm bảo an toàn giao thông.
IV. THỜI GIAN AN CƯ KẾT HẠ
1. Đối với Phật giáo Bắc Tông và Hệ phái Khất sĩ, thời gian tiền an cư bắt đầu vào ngày 16/4 âm lịch, kết thúc vào ngày 16/7 âm lịch (tức 23/5/2024 đến 19/8/2024); hậu an cư bắt đầu vào ngày 16/5 âm lịch, kết thúc vào ngày 16/8 âm lịch (tức 21/6/2024 đến 18/9/2024).
2. Đối với Phật giáo Nam Tông, thời gian an cư sẽ bắt đầu vào ngày 15 tháng 6 âm lịch, kết thúc vào ngày 15 tháng 9 âm lịch (tức 20/7/2024 đến 17/10/2024).
V. BÁO CÁO KẾT QUẢ TỔ CHỨC AN CƯ KẾT HẠ
1. Sau khi công tác tổ chức an cư kết hạ đã ổn định, Quý Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành phố gửi danh sách Tăng Ni an cư về Văn phòng Trung ương Giáo hội và Văn phòng Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN.
2. Hồ sơ xin cấp Chứng điệp an cư kết hạ gồm có: Đơn xin an cư kết hạ, bản sao Giấy chứng điệp Thụ giới Tỷ khiêu, Tỷ khiêu Ni do TWGH cấp, 2 ảnh màu 2×3.
3. Thời gian gửi báo cáo kết quả công tác tổ chức an cư về Văn phòng Trung ương Giáo hội, chậm nhất là ngày 16 tháng 6 âm lịch.
– Các tỉnh, thành phố phía Bắc gửi về Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Chùa Quán Sứ, số 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội.
– Các tỉnh, thành phố phía Nam gửi về Văn phòng Thường trực Trung ương GHPGVN – Thiền viện Quảng Đức, số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh.
Thông bạch cũng đề nghị, trong quá trình triển khai việc tổ chức an cư kết hạ, nếu có yêu cầu Trung ương Giáo hội hỗ trợ, đề nghị quý Ban Trị sự có công văn gửi về Văn phòng Trung ương Giáo hội, Văn phòng Thường trực Trung ương GHPGVN trước ngày khai hạ hai tuần để tiện việc sắp xếp.
PSO