Tham dự buổi lễ có còn Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch TT HĐTS; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Hòa thượng Thích Gia Quang, Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp, đồng Phó Chủ tịch HĐTS; Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Ủy viên TT HĐTS, Trưởng Ban Văn hóa Trung ương; cùng chư Tôn đức Văn phòng I Trung ương và thành viên Ban Văn hóa Trung ương.
Về phía khác mời có Ông Lê Minh Khánh – Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL; PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; TS. Nguyễn Văn Đoàn – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; PGS.TS Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Nghiên cứu Tôn giáo; ông Đặng Khánh Ngọc – Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, Bộ VH-TT-DL, đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học.
Phát biểu chào mừng, Hòa thượng Chủ tịch khẳng định, Phật giáo truyền vào Việt Nam cách nay gần 2000 năm, với tinh thần tuỳ duyên bất biến, bất biến tuỳ duyên đã linh hoạt, dung hoà với văn hoá bản địa tạo nên nét đặc trưng của Phật giáo Việt Nam trên tất cả các khía cạnh, đặc biệt là văn hóa Phật giáo. Thông qua cách ngôn ngữ biểu đạt, y phục, nghi lễ, cách thức thờ tự, bài trí tượng pháp, hệ thống kiến trúc, biểu tượng trang trí… đã cho mỗi người trong chúng ta có thể nhận diện được sắc thái riêng của Phật giáo Việt Nam.
Trong đó, kiến trúc các ngôi tự viện của Phật giáo Việt Nam cũng có nét đặc trưng riêng do các bậc tiền bối tổ sư Việt Nam tạo dựng để tôn thờ và xiển dương giáo lý của đức Phật đà đồng thời cũng là nơi quy tâm hướng thiện của đồng bào Phật tử và nhân dân bởi “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông”.
Hòa thượng cho biết; Trải qua phong hoá bởi thời gian, tàn phá bởi chiến tranh và nhất là trong bối cảnh đô thị hóa cũng như nhu cầu sử dụng để đáp ứng số lượng lớn Phật tử, công chúng ngày một cao, nhiều ngôi chùa với những nét đẹp kiến trúc truyền thống đang dần bị tác động, mai một bởi sự cải tạo, cơi nới không phù hợp hay những công trình xây mới mặc dù đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tu tập, sinh hoạt tâm linh của xã hội nhưng đôi chỗ còn chưa đảm bảo kế thừa những giá trị, đặc trưng văn hóa truyền thống cũng như tư tưởng, tinh thần Phật giáo.
Trước thực trạng đó, năm 2015, Hội đồng Trị sự GHPGVN đã phê duyệt Đề án: “Định hướng đặc trưng văn hoá Phật giáo Việt Nam về Pháp phục, Ngôn ngữ, Kiến trúc, Di sản” và giao Ban Văn hoá trung ương GHPGVN triển khai thực hiện với định hướng đặc trưng Văn hoá Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Đến nay, 2 trong 4 đề án đã đạt kết quả bước đầu, đó là Pháp phục và Khoá tụng thống nhất và được Hội đồng Trị sự GHPGVN phê chuẩn. Hiện nay, kết quả nghiên cứu này đang được triển khai đến Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước. Đề án Kiến trúc và Di sản cũng đang trong quá trình triển khai thực hiện mà Triển lãm, Hội thảo khoa học này là một trong những công việc quan trọng của Đề án đó.
Nhân dịp tham dự lễ khai mạc Triển lãm và Hội thảo khoa học “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nơi lưu giữ rất nhiều di sản văn hóa Phật giáo giá trị, một địa chỉ văn hóa vô cùng ý nghĩa; Hòa thượng Chủ tịch tin tưởng rằng, chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử và các chuyên gia, nhà khoa học giúp sức, tập trung trí tuệ, nghiên cứu, trao đổi, tìm ra những nét truyền thống, đặc trưng kiến trúc Phật giáo Việt Nam đồng thời, đánh giá những điểm bất cập trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay, để xây dựng, định hướng phát triển kiến trúc văn hoá Phật giáo Việt Nam đảm bảo vừa bảo tồn nét đẹp truyền thống kiến trúc Phật giáo Việt Nam, vừa hiện đại, thể hiện được nét kiến trúc Phật giáo trong thời đại mới và đáp ứng thiết thực cho nhu cầu sử dụng, sinh hoạt tôn giáo của các cơ sở tự viện trong giai đoạn hiện nay và tương lai.
Nguồn: Trang chủ – Website Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN (chutichghpgvn.vn)