Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Tăng sự Trung ương, nhị vị Hòa thượng Phó chủ tịch Thường trực HĐTS, cùng chư Tôn đức Phó Chủ tịch HĐTS, Ủy viên TT HĐTS, Văn phòng I và Văn phòng II Trung ương đã hiện diện chứng minh.
Tham dự có đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, Cục an ninh nội địa – Bộ Công an, Ban Tôn giáo TP.HCM, chư Tôn đức Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử thành viên Ban và các Phân ban Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và các tỉnh thành.
Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Lệ Trang, Ủy viên TT HĐTS, Trưởng ban Nghi lễ Trung ương nhấn mạnh “Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội IX, với tinh thần phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật và nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh cùng sự chỉ đạo sát sao của chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội, các thành viên Ban Nghi lễ Trung ương sẽ phấn đấu hoàn thành trọng trách được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tín nhiệm giao phó.”
Ban Nghi lễ là một trong 13 Ban/Viện chuyên môn của GHPGVN, với đặc thù của chuyên ngành Nghi lễ, là gạch nối quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam giữa truyền thống và hiện đại, nhằm phụng sự nhân sinh, truyền tải thông điệp từ bi, trí tuệ vào đời sống xã hội, góp phần xây dựng cuộc sống an lạc, hạnh phúc hòa chung thời đại hội nhập, phát triển của đất nước. Tiếp nối truyền thống Hộ quốc an dân và đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam đã có từ bao đời.
Hòa thượng Trưởng Ban Nghi lễ cho rằng, để hoàn thành trọng trách đó, Ban Nghi lễ Trung ương đã cơ cấu các thành viên có đầy đủ năng lực, phẩm chất, uy tín và tương xứng nhiệm vụ. Chúng ta tin tưởng rằng, bằng uy đức của Tăng già, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đây được coi là thắng duyên, làm động lực để các thành viên luôn nêu cao ý thức kỷ xương, tự giác và tinh thần trách nhiệm chung, nhất định các hoạt động Phật sự của Ban Nghi lễ Trung ương trong nhiệm kỳ 2022 – 2027 sẽ hanh thông và thành tựu như ý nguyện. Hy vọng sẽ đóng góp một phần công đức vào sự trang nghiêm và phát triển bền vững Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc.
Tiếp đó, Thượng tọa Thích Phước Nguyên, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 Trung ương, thông qua quyết định chuẩn y thành phần nhân sự Ban Nghi lễ Trung ương nhiệm kỳ IX (2022 – 2027).
Ban Nghi lễ Trung ương nhiệm kỳ IX gồm 100 thành viên (38 thường trực, 62 ủy viên). Trưởng ban Hòa thượng Thích Lệ Trang; Phó Trưởng Ban Thường trực, Thượng tọa Thích Minh Quang, Thượng tọa Thích Quảng Chơn, Hòa thượng Thích Giác Đạo.
Ban đạo từ tại buổi lễ, Hòa thượng Chủ tịch nhắc lại công đức của chư Tôn Hòa thượng Trưởng Ban Nghi lễ Trung ương qua các nhiệm kỳ như: Hòa thượng Kim Cương Tử, Hòa thượng Thích Hiển Tu, Hòa thượng Thích Trí Tâm, Hòa thượng Thích Huệ Minh. Trải qua 08 nhiệm kỳ hơn 40 năm, công đức của chư tôn đức tiền nhiệm Ban Nghi lễ Trung ương là vô cùng lớn lao, để lại nhiều giá trị về hình thức và tâm linh cho thế hệ sau thừa hưởng.
Hòa thượng Chủ tịch nhận định, Hòa thượng Thích Lệ Trang được Giáo hội tin tưởng giao trọng trách lãnh đạo Ban Nghi lễ trong nhiệm kỳ IX. Trưởng Ban đương nhiệm là người có nhiều kinh nghiệm khi từng đảm trách sám chủ nhiều khóa lễ tâm linh và có nghiên cứu sâu về nghi lễ Phật giáo Việt Nam; cùng với các thành viên nhiệm kỳ IX là những vị có đạo hạnh, kinh nghiệm và tuổi trẻ, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để Ban Nghi lễ Trung ương hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra xoay quay 05 phạm trù nghi lễ: Hình thức, tâm linh, văn hóa, ứng sử và hành văn.
Hòa thượng Chủ tịch cũng hy vọng, Ban nghi lễ Trung ương sẽ phát huy tốt vai trò và nhiệm vụ của mình để xứng đáng là Nghi lễ Phật giáo – Nhạc lễ dân tộc Việt Nam được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của Thế giới vào năm 1993. Đồng thời, Hòa thượng mong Ban Nghi lễ sớm hoàn thiện Giáo trình Nghi lễ Việt Nam trong nhiệm kỳ này, từ đó đưa vào các Trường Phật học để giảng dạy cho Tăng Ni.
Nguồn: chutichghpgvn.vn